Phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng

Hiện nay, Đảng ta đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên đóng góp vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dưới vỏ bọc “tâm huyết”, “trách nhiệm”, “yêu nước”... thông qua mạng xã hội, internet cũng như các hình thức truyền thông khác, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị đã tung ra các chiêu thức, như: “góp ý”, “đề xuất” ở các mức độ khác nhau, cổ xuý đấu tranh đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập...

Nhận diện chiêu bài “góp ý”

Việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nói riêng hay việc sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp và phản biện của Nhân dân nói chung là điều hết sức bình thường, thể hiện sự dân chủ về chính trị ở một quốc gia đang hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhưng ở một khía cạnh khác, đây cũng là thời cơ “vàng” để các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và những kẻ bất mãn chính trị tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước, ra sức tuyên truyền xuyên tạc, tác động nhằm "nắn dòng dư luận" tiến tới mục tiêu làm chệch hướng đường lối, chủ trương của Đảng ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch cùng phần tử phản động, cơ hội và bất mãn chính trị đã có sự điều chỉnh về mặt “chiến thuật”, với mục đích “tung hỏa mù”, đăng tải những thông tin không chính thức, thông tin giả, xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội… nhằm gây rối, làm lung lạc niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khiến cho nhiều người dễ bị mắc lừa, dễ tin vào các số liệu, sự kiện tưởng chừng trung thực, khách quan của chúng.

Các bài viết trên mạng xã hội, trên internet được phát tán, đăng tải thời gian qua cho thấy, điểm chung mà các đối tượng hướng tới là khoét sâu, bóp méo kết quả phòng, chống tham nhũng, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị và một số cán bộ thoái hóa, biến chất bị pháp luật xử lý để rêu rao rằng đây là minh chứng cho “hậu quả” mà chế độ “độc tài đảng trị” gây ra; chúng cho rằng, việc Đảng ta độc quyền về công tác lựa chọn cán bộ là cơ hội để các “quan cách mạng” câu kết tạo ra các “sân sau”, “vườn trước”, bảo vệ lợi ích lâu dài… Chúng suy diễn Đảng đã dựa vào dân để lừa mị, hút máu Nhân dân bằng các loại thuế, phí chồng chéo và thu hồi đất đai với giá rẻ; Đảng đã lợi dụng lòng yêu nước để ngăn cản tự do tư tưởng, ngăn cản tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngăn cấm phản biện xã hội... Chúng lấy các ví dụ về sự tiến bộ của dân chủ phương Tây và thể chế chính trị tam quyền phân lập cũng như đời sống tự do ở các nước giàu có để ngầm so sánh, cho rằng, tại các quốc gia này, việc bầu cử minh bạch, khách quan, hướng vào lựa chọn những ứng cử viên có giải pháp giải quyết các vấn đề đời sống xã hội tồn đọng, là “khuôn vàng thước ngọc”; từ đây, chúng đòi phải “lập quyền dân”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, cổ xuý những người ảo tưởng về khả năng, tự ứng cử, đề cử bầu vào các cơ quan công quyền và đại biểu Quốc hội... Ở một khía cạnh khác, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều đối tượng tung ra các thông tin sai lệch về dự kiến nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và người giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới của Đảng, cho rằng đang có hiện tượng đấu tranh phe nhóm để giành chức, giành quyền, giành ghế trong Đảng…

Đồng thời, chúng tiếp tục viện dẫn, lợi dụng khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, những tồn tại do lịch sử để lại và những khuyết điểm trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động tư tưởng, tập hợp lực lượng chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta dày công xây dựng.

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống “bẫy” thông tin xấu, độc

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ thủ đoạn của kẻ địch là: “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân”.

Để không bị rơi vào “bẫy” thông tin của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị, cần thực tốt các việc sau:

Một là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt và thực hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên; trong đó, cần hết sức coi trọng việc cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, minh bạch, khách quan cho Nhân dân, cán bộ, đảng viên, từ đó xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Thực tế đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng cần phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nghiên cứu; thể hiện quan điểm, thái độ, chính kiến của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Mặt khác, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin cần thiết, định hướng để người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của các công việc hệ trọng. Cần coi việc giúp cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng, nhận thức đầy đủ về các công việc hệ trọng của đất nước là phương cách tốt nhất để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh kịp thời với mọi tư tưởng, quan điểm sai trái, với những thông tin sai lệch, thông tin xấu độc, nhất là thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Hai là, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí, truyền thông cần phải cập nhật thông tin chính trị nhanh chóng và thường xuyên. Kịp thời giải thích, phê phán, đấu tranh với những thông tin sai lệch. Các cơ quan chức năng cũng cần huy động đông đảo lực lượng tham gia hoạt động truyền thông, chia sẻ các thông tin chính thống trên không gian mạng và mạng xã hội để giúp nhân dân, cán bộ, đảng viên có cái nhìn tích cực và xây dựng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần theo dõi, xử lý những trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp với các đơn vị cung cấp mạng xã hội để gỡ bỏ những thông tin xấu độc.

Ba là, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật kiến thức để nâng cao bản lĩnh chính trị. Hiện nay, ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương xuất hiện tình trạng lười học tập chính trị, nghiên cứu nghị quyết, chỉ thị Đảng ở các mức độ khác nhau. Đây là biểu hiện nguy hại vì vô tình tạo ra những kẻ cơ hội trong chính nội bộ, do mù mờ về lý luận chính trị, không nắm rõ tình hình mọi mặt, mơ màng với các sự việc cụ thể nên nguy cơ thiếu bản lĩnh và thiếu sự nhạy cảm chính trị, dễ a dua theo những nội dung tuyên truyền hết sức tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị.

Bốn là, đối với mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân, khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu tán phát trên mạng, trên internet cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt; tránh bị cuốn theo những giọng điệu xảo trá của các thế lực thù địch cùng phần tử phản động, cơ hội và bất mãn chính trị mà dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin với Đảng và chế độ.

Tiếp nhận thông tin tích cực, phát huy trách nhiệm, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cảnh giác với thông tin xấu, độc chính là biện pháp hiệu quả nhất phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đó cũng chính biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, loại bỏ sự xâm nhập của thông tin xấu, độc.

Vũ Hùng Cường

(Ban Dân vận Tỉnh ủy)​

Liên kết website

Lượt truy cập

ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH ĐỒNG NAI

Địa chỉ: Kp1 phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Số điện thoại: 02513822060; Fax: 02513822462; Email: duk.dongnai@gmail.com; Email: duk@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH ĐỒNG NAI' hoặc 'www.dukccq.dongnai.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này. ​